Về làng buôn trầm xuyên quốc gia
Làm giả trầm hương, làng buôn trầm xuyên quốc gia nổi tiếng một thời với hàng chục tỉ phú nay dần tàn lụi, nhiều người lâm cảnh nợ nần
Làng Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) vốn nổi tiếng là nơi sản xuất trầm hương đưa ra nước ngoài bán. Nơi đây, vào những năm 2010 được mệnh danh là “làng tỉ phú” bởi có hàng chục người nắm tiền tỉ trong tay nhờ buôn trầm hương. Khu vực chợ Trung Phước trở nên sầm uất, biệt thự mọc lên như nấm, cuộc sống người dân quê thay đổi hoàn toàn.
Bị Trung Quốc tẩy chay
Thế nhưng, ai lên xứ trầm hương Trung Phước thời điểm này sẽ không còn chứng kiến cảnh nhà nhà làm trầm hương, người người làm trầm hương như trước. Thay vào đó, nhiều hộ kinh doanh trầm hương đã phải bỏ nghề, nhiều gia đình phải rao bán nhà để trả nợ, lao động ở địa phương đành quay lại thói quen “Nam tiến” để mưu sinh. “Trầm hương Trung Phước lãnh hậu quả như ngày hôm nay cũng chính vì những người làm trầm tự hại mình” - anh Nguyễn Văn T., một chủ cơ sở làm trầm hương tại làng, thốt lên.
Cơ sở của anh T. nằm ngay khu vực chợ Trung Phước, từ chỗ có đến hàng chục lao động nay chỉ còn vài người cố bám víu. Anh T. cho biết 2 năm nay, sản phẩm trầm hương Trung Phước bị người Trung Quốc tẩy chay nên nhiều hộ kinh doanh gặp khó. Dù không công khai nhưng những người trong cuộc đều biết rằng không ít hộ kinh doanh trầm hương ở Trung Phước đều phải vay ngân hàng, thậm chí vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để có tiền trang trải những chuyến buôn trầm sang Trung Quốc. Riêng số lượng trầm hương của anh T. chưa bán được phải gửi lại ở Trung Quốc có giá trị hàng tỉ đồng.
Trước đó, khoảng năm 2005-2010, khi sản phẩm trầm hương được ưa chuộng, người dân Trung Phước đã linh động chuyển đổi cách làm. Họ lên huyện Tiên Phước mua cây dó bầu (cây tạo ra trầm hương) đưa về chế tác thành nhiều sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt bán sang Trung Quốc. Cứ mỗi lần ở Trung Quốc tổ chức hội chợ, hàng trăm người kéo nhau sang bán trầm hương hoặc đưa đi bán dạo. Mỗi chuyến đi, người kiếm ít cũng vài trăm triệu, người nhiều kiếm tỉ đồng.
Ông Dương Quốc Trinh trồng hàng trăm gốc tiêu thay cho dó bầu
Vì làm trầm hương quá dễ và nhanh giàu nên không chỉ người dân ở Trung Phước mà người làng Đại Bình bên cạnh cũng tham gia làm trầm xuất ngoại. Lượng người làm trầm ngày một đông trong khi việc kiểm soát chất lượng không được chú trọng nên xuất hiện tình trạng dùng hóa chất bơm vào các sản phẩm giả trầm hương để bán với giá cao. Sau một thời gian, thông tin trầm hương bị làm giả đã khiến nhiều người quay lưng với trầm hương Trung Phước.
“Hiện nay, hầu hết các hộ làm trầm đều đang gửi sản phẩm tại nhà kho bên Trung Quốc. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều lên đến 2-3 tỉ đồng. Hai năm nay trầm hương không bán được nhưng mỗi lần có hội chợ, chúng tôi đều sang Trung Quốc với mong muốn bán hết hàng để lấy lại vốn nhưng càng đi càng bị lỗ” - anh T. chia sẻ.
Ông Lê Văn Kh. (ngụ làng Đại Bình) cho biết số lượng trầm hương mỹ nghệ ông đang gửi tại tỉnh Vân Nam có giá trị hơn 1 tỉ đồng. Hiện tại, mỗi tháng ông Kh. mất gần 3 triệu đồng tiền ký gửi. “Trước đây buôn bán rất dễ dàng, chuỗi hạt ở mình bán 1 triệu không ai mua nhưng sang đó có khi bán được 20-30 triệu đồng. Cũng do quá nhiều hộ tham gia, rồi do tham lam làm hàng giả nên bị người ta tẩy chay cũng đúng thôi” - ông Kh. thừa nhận.
Tỉ phú chuyển nghề
Ông Đỗ Đình Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung, đọc tên hàng chục người ở làng Trung Phước được cho là tỉ phú và cho biết từ khi trầm hương không tiêu thụ được, nhiều tỉ phú nơi đây đã linh động chuyển nghề. Cụ thể, ông Trương Thanh Hiền đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ vận tải, du lịch, ông Lưu Thanh Hùng đầu tư trang trại chăn nuôi, trồng rừng, ông Nguyễn Điền chuyển sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn. “Đa số những người bị thua lỗ, nợ nần đều là những người kinh doanh nhỏ. Với những người đã làm trước đó, họ vẫn còn giữ được nhiều tiền để chuyển sang nghề khác” - ông Thương cho hay.
Khi sản phẩm trầm hương không bán được, không chỉ người dân ở Trung Phước gặp khó mà nhiều cơ sở làm trầm tại huyện Tiên Phước và người trồng dó bầu ở huyện này cũng chịu cảnh tương tự. Hai anh em ông Trần Vũ Linh và Dương Quốc Trinh (cùng ngụ xã Tiên Mỹ) được biết đến là người đầu tiên đưa cây dó bầu từ rừng về trồng và trở thành tỉ phú. Đến nay, khi cuộc sống sung túc, cả gia đình ông Linh đã chuyển sang Mỹ sinh sống, ở nhà chỉ còn lại người con trai đầu trông coi cơ nghiệp. Còn ông Trinh từ khi sản phẩm trầm bị rớt giá đã chuyển sang trồng tiêu, cây ăn trái.
Phá sản làng nghề
Trước tình trạng làng nghề trầm hương Trung Phước lâm cảnh ngắc ngoải, chính quyền huyện Nông Sơn đang hết sức khó xử bởi những tính toán của họ đang bị phá sản. Trước đó, với kỳ vọng phát triển nghề trầm hương là một nghề chủ lực tại địa phương, chính quyền huyện Nông Sơn đã đưa vào quy hoạch phát triển làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp. Trong đồ án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ tại thôn Trung Phước với diện tích hơn 15 ha đã được phê duyệt, làng nghề trầm hương Trung Phước nổi lên như một điểm nhấn. Huyện Nông Sơn cũng đã xin cấp kinh phí để thực hiện dự án phát triển làng nghề, mở lớp đào tạo cho lao động địa phương. Đặc biệt, vào năm 2014, hơn 3,7 tỉ đồng đã được chi để xây dựng khu trưng bày sản phẩm cho làng nghề. Đến nay, do việc kinh doanh trầm hương mỹ nghệ của người dân không được thuận lợi, khu nhà trưng bày này đang dần hoang hóa.