Báo Cáo Thực Trạng Định Hướng Phát Triển Loài Cây Dó Bầu Và Trầm Hương Trên Thị Trường Hà Tĩnh

Báo Cáo Thực Trạng Định Hướng Phát Triển  Loài Cây Dó Bầu Và Trầm Hương  Trên Thị Trường Hà Tĩnh

I. Đặc điểm tình hình chung
Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, gồm 12 huyện, thành phố, thị xã trong đó có 5 huyện thị miền núi là Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, và thị xã Hồng Lĩnh. Diện tích tự nhiên 602.605 ha, trong đó đất dùng vào nông nghiệp là 460.180 ha, đất phi nông nghiệp 77.350 ha, đất chưa sử dụng 65.120 ha. Dân số toàn tỉnh là 1.288.500 người trong đó nông thôn chiến tỷ lệ 89% dân số, tổng số lao động 642680 người trong đó lao động thuộc nhóm Nông - Lâm - Ngư - Nghiệp là 514.500 người chiếm tỷ lệ 80%. Hà Tĩnh có hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi: có đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam chạy qua, với đường quốc lộ 8A và cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đường 12 nối với cửa khẩu Cha lo – Việt Lào, có 137km bờ biển với cảng nước sâu Vũng Áng đây là những lợi thế lớn để giao lưu tiếp cận với các tỉnh thành phố trong nước và với nước bạn Lào, Đông bắc Thái Lan và vươn ra các nước trên thế giới.
Rừng Hà Tĩnh  có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển Lâm nghiệp. Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 365.580ha, chiếm 60,6% diện tích tự nhiên, trong đó đất có rừng 299.600ha (rừng tự nhiên 214.960ha, rừng trồng 84.650ha); đất chưa có rừng 65.970 ha, được quy hoạch lại theo 3 loại rừng như sau: Rừng đặc dụng: 74.640 ha, chiếm 20,4%; Rừng phòng hộ: 120.390 ha, chiếm 32,9%; Rừng sản xuất: 170.550 ha, chiếm 46,7% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp.
Tài nguyên rừng Hà Tĩnh có tính đa dạng sinh học cao: động vật rừng khá phong phú và có một số loài ghi trong sách đỏ thế giới như Sao La, Hổ, Gà Lôi Lam  mào đen, Gà Lôi Lam đuôi trắng, Trĩ Sao…Thực vật rừng có nhiều loài gỗ quý như Pơ mu, Gụ mật, Sến mật, Lim xanh, Dó bầu…trong đó cây Dó bầu là cây bản địa trước đây có nhiều trong rừng tự nhiên và trong thời gian gần đây được nhân dân phát triển gây trồng nhiều trong các vườn hộ, đặc biệt là trên địa bàn huyện Hương Khê, bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế nhất định. 
II. Thực trạng phát triển cây Dó bầu ở Hà Tĩnh
Dó bầu ở Hà Tĩnh trước đây chủ yếu phân bố trong rừng tự nhiên, dọc theo dãy Trường Sơn thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Kỳ Anh.  Việc khai thác và buôn bán trầm hương những năm 80, 90 của thế kỷ XX diễn ra sôi động, người tìm trầm thường chặt cây, đào gốc khi tìm gặp, nên cây Dó bầu trong tự nhiên đã bị cạn kiệt, khan hiếm nên nhiều người dân đã gây trồng trong vườn nhà, vườn rừng là chính và một số  diện tích trồng tập trung ở các tổ chức Lâm nghiệp nhà nước trong toàn tỉnh. Chưa tìm hiểu được chính xác thời điểm người dân bắt đầu trồng cây Dó bầu phân tán trong vườn hộ gia đình. Những năm qua từ các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án phát triển Lâm nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã chú ý dành khoản đầu tư nhất định để trồng rừng Dó bầu tập trung: Năm 1987, trồng 5 ha khảo nghiệm tại Lâm trường Chúc A (nay là Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A) do Viện Khoa học lâm nghiệp đầu tư; các dự án 327, 661 và dự án Việt - Đức; các mô hình  Khuyến Lâm đã trồng được một số diện tích Dó bầu có nhiều triển vọng.
Tổng diện tích Dó bầu hiện có là 3.100 ha bao gồm: 960,0 ha rừng trồng tập trung và 2.140 ha trồng phân tán (Quy đổi 700 cây tính 1 ha). Diện tích rừng tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang.
*/ Phân theo đối tượng trồng, gồm có :
- Các tổ chức Lâm nghiệp nhà nước trồng: 735 ha (trồng tập trung)
- Hộ gia đình trồng: 2.376 ha (224 ha trồng tập trung, 2.150 ha trồng phân tán).
*/ Phân theo tuổi:  Một năm tuổi có 200 ha; từ  2 đến 7 năm tuổi có 2.570 ha; từ  8  đến 11 năm tuổi có 256 ha và trên 11 năm tuổi có 82 ha
*/ Phân theo đơn vị hành chính huyện, thị xã, gồm có:
Huyện Hương Khê: 1.900 ha; huyện Hương Sơn: 351 ha; huyện Kỳ Anh: 414 ha; huyện Can Lộc: 196 ha; huyện Vũ Quang:100 ha; huyện Thạch Hà: 87 ha; huyện Cẩm Xuyên: 31 ha; huyện Nghi Xuân: 10 ha; huyện Đức Thọ: 6 ha; Thị xã Hồng Lĩnh: 6 ha.
Việc trồng rừng Dó bầu ở tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu do dân trồng tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể vùng trồng, nên việc đầu tư phát triển cây Dó bầu trên địa bàn toàn tỉnh là rất cần thiết.
1. Tình hình gây trồng
1.1. Tạo gống
1.1.1. Nhân giống bằng hạt
Việc nhân giống bằng hạt đã được người dân thực hiện khá thành công, đáp ứng đủ nhu cầu trồng tại Hà Tĩnh và  còn cung cấp giống cho các tỉnh khác, ngoài ra còn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang nước Lào. Cây Dó bầu trồng 4 -5 năm tuổi có thể ra hoa, cho quả bói, từ 8 đến 10 năm tuổi lượng quả nhiều hơn, nhưng chưa ổn định để lấy hạt làm giống, cây15 năm tuổi cho quả  ổn định. Quả Dó bầu được thu hái vào đầu tháng 6,7 ;  từ quả  tách lấy hạt ngâm vào nước lã qua đêm, đem gieo vào bầu; hoặc có thể bảo quản hạt bằng phương pháp cất ẩm nhưng không quá 2 tháng.
1.1.2.  Nhân giống bằng nuôi cấy mô, tế bào
Hiện nay, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã tiến hành nghiên cứu công nghệ nhân giống cây Dó bầu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, đã có kết quả nhưng chưa đưa vào sản xuất đại trà.
1.2. Tình hình sinh trưởng và phát triển của cây Dó bầu
Cây Dó bầu dễ gây trồng, cây con từ 8 – 12 tháng tuổi, chiều cao 0,5 m, đường kính gốc 4 mm, bộ rễ trong bầu ổn định đem trồng có tỷ lệ sống cao (đạt >95%). Qua theo dõi Mô hình trồng cây bản địa dự án Việt - Đức tại Truông Bát, cây Dó bầu trồng mật 800 cây/ha tròn 5 tuổi đường kính D1.3 đạt 8,0 cm,  chiều cao đạt 5 - 7 m, trồng 4 - 5 năm cây cho quả. Những diện tích trồng tập trung giai đoạn rừng non cây sinh trưởng tốt (như  ở  Can Lộc), nhưng đến trên 20 tuổi cây bắt đầu cằn cỗi, sinh trưởng chậm (như ở Chúc A).
Theo kinh nghiệm của những người đi tìm trầm trong rừng tự nhiên thì những cây có đường kính trên 20 cm, thân cành bị thương hoặc có u bướu, nhiều vết sâu đục,  lá nhỏ, cằn cỗi là những cây có thể cho nhiều trầm hương.
2. Những phương pháp đã được áp dụng trong việc tạo trầm và chiết xuất tinh dầu trầm hương tại Hà Tĩnh
2.1. Phương pháp  cơ học
Cho đến nay người ta chưa xác định được những yếu tố ngoại cảnh như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành trầm hương trong cây Dó bầu. Cho nên mùa vụ xử lý thích hợp nhất được căn cứ vào thời gian mà cây có thể chịu nhiều vết thương, người ta xử lý tạo trầm vào hai vụ: Vụ xuân tháng 3-4; vụ thu tháng 9-10. Đây là thời gian có khí hậu mát mẻ, giảm được hiện tượng mất nước của cây. Người ta dùng các hình thức tác động cơ giới như: khoan, đục lỗ, đóng đinh sắt …để tạo trầm trên cây Dó bầu.
2.2. Phương pháp khoan lỗ kết hợp với chất kích thích
Ở Hà Tĩnh đã có 02 đơn vị thử nghiệm tạo trầm hương bằng phương pháp này, gồm:
+ Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc (có trụ sở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam):
  Dùng khoan khoan lỗ xuyên vào thân cây để tạo vết thương, sau đó dùng chất kích thích bơm trực tiếp vào lỗ khoan. Diện tích thử nghiệm: 10 ha, với 2.174 cây (Công ty cao su Hà Tĩnh 5,5 ha với 1.824 cây; Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn 4,7 ha với 350 cây). Sau 2 năm tạo trầm nhân tạo, cây sinh trưởng bình thường, không có cây bị chết, các vết thương cơ bản đã liền sẹo, chưa giải tích thân cây nên chưa rõ quá trình hình thành trầm. (Doanh nghiệp chưa tiết lộ thông tin về chất kích thích đang sử dụng)
+ Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh:
Trung tâm đã bước đầu thử nghiệm phương pháp khoan tạo trầm tại xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ. Phương pháp: Dùng khoan khoan lỗ vào thân cây (không khoan hướng tây). Bơm chế phẩm Lt vào, sau đó dùng bông và ống bịt lỗ khoan lại để hạn chế chế ảnh hưởng của nước mưa.
Số lượng cây thử nghiệm: 25 cây, trong đó cây trên 10 tuổi: 7 cây và từ 3-4 tuổi: 18 cây. Thời gian thử nghiệm bắt đầu từ  tháng 11 năm 2004.
(Kết quả thử nghiệm đơn vị có báo cáo riêng)
2.3.  Chiết xuất tinh dầu trầm
- Hiện nay  Công ty TNHH Hoàng Lân đã có lò chưng cất dầu Trầm hương tai Thị trấn huyện Hương Khê (có báo cáo riêng).
- Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng xưởng chiết xuất tinh dầu Trầm tại huyện Hương Khê (Quyết định số 1691 QĐ/UB-NL1 ngày 25/8/2005), hiện nay đang chờ cấp vốn để triển khai xây dựng.
III. Những bất cập, vướng mắc
1. Thị trường tiêu thụ
- Đối với cây giống
Thị trường tiêu thụ cây giống trong thời gian qua, bao gồm các địa phương trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào. Hiện tại còn gặp một số tồn tại sau: Công tác quản lý chất lượng sản phẩm về giống chưa chặt chẽ, cây giống bán trôi nổi trên thị trường; Nhà nước chưa xác định loại cây Dó bầu nào có nhiều trầm hương và chất lượng tốt.
- Đối với trầm hương
Trong  thập kỷ 80 và 90  của thế kỷ XX, sản phẩm  trầm hương được nhà nước cho phép  một số đơn vị có chức năng thu mua để xuất khẩu. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm này chủ yếu thông qua thương lái, các thương lái có vai trò quyết định đến giá cả, trong lúc đó nhà nước chưa có quy định tiêu chí kĩ thuật cụ thể nên  người sản xuất bị thiệt thòi lớn và thị trường lại bấp bênh. Công tác nghiên cứu và tìm kiếm thị trường  trong thời gian qua tuy đã được tỉnh chú ý, nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm  hầu như đang bị một số nhà kinh doanh độc quyền và gĩư bí mật tuyệt đối.
- Đối với sản phẩm tinh dầu trầm hương
Đây là sản phẩm mới, trong thời gian qua Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng như các ngành, các cấp quan tâm nhiều và đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu trồng, tạo trầm, chiết xuất tinh dầu trầm và thị trường tiêu thụ trầm hương. Nhưng do điều kiện, khả năng có hạn, nên việc nghiên cứu đầy đủ về cây Doa bầu và tìm kiếm thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn.
2. Nguồn giống                                                                         
- Nguồn cung cấp giống cây Dó bầu hiện nay chủ yếu được nhân dân thu hái xô bồ, bán trôi nổi trên thị trường, chưa có rừng giống, lâm phần tuyển chọn được công nhận để thu hái  giống có chất lượng.
- Việc nhân giống Dó bầu bằng công nghệ mô, hom, giá thành còn cao, chưa áp dụng vào sản xuất.
3. Tạo trầm hương  tại Hà Tĩnh
Tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức khoan, đục lỗ, đóng đinh sắt, kết hợp khoan với bơm chất kích thích để tạo trầm hương trên cây Dó bầu, nhưng các đơn vị, cá nhân chưa có kết quả để công bố.
4. Chế biến sản phẩm
Cho đến thời điểm hiện tại, ở Hà Tĩnh chiết xuất tinh dầu trầm hương có 2 đơn vị (Công ty TNHH Hoàng Lân đã xây dựng và đi vào hoạt động; Ban quản lý RPH Ngàn Sâu có dự án được duyệt nhưng chưa xây dựng). Đây là sản phẩm mới nên các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết về trầm hương, thiếu thông tin  thị trường (bao gồm máy móc, thiết bị , công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm,...).
5. Đánh giá chất lượng trầm hương
Từ trước tới nay việc đánh giá chất lượng trầm hương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người mua và người bán. Chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng trầm hương.
6. Sâu bệnh hại
Trên cây Dó bầu xuất hiện 2 loài sâu phổ biến là :
- Sâu đục thân: Hiện vẫn chưa xác định được loài và tên khoa học của chúng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân thì sâu đục thân ít ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây Dó bầu. Khi cây trưởng thành, sâu đục thân gây ra các vết thương là điều kiện thuận lợi cho việc tạo trầm hương.
- Sâu ăn lá: Chưa xác định được tên loài sâu ăn hại lá Dó bầu, loài này tương đối phổ biến ở diện tích rừng trồng thuần loại và ít thấy ở diện tích rừng trồng hỗn loại. Sâu này thường xuất hiện vào đầu mùa xuân, nhiều diện tích cây Dó bầu bị ăn trụi lá, vòng đời  ngắn, sâu non chỉ tồn tại khoảng 01 tháng.
IV.  Định hướng phát triển
1. Quy hoạch phát triển
Trên cơ sở quỹ đất hiện có, căn cứ vào điều kiện lập địa từng vùng, đặc điểm sinh vật học của loài cây Dó bầu, kinh nghiệm gây trồng của nhân dân và căn cứ vào khả năng thị trường, lập  quy hoạch phát triển  loài cây Dó bầu  tại Hà Tĩnh theo hướng :
- Trước mắt, khi chưa có kết luận chính thức về giá trị, giá trị sử dụng và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây Dó bầu thì xem cây Dó bầu như cây lâm nghiệp bản địa và được đưa vào trồng như cây rừng, phát triển theo hướng trồng tập trung, trồng xen, trồng phân tán. Diện tích dự kiến quy hoạch đến năm 2010 là  6.000 ha, không trồng ồ ạt. Động viên nhân dân làm tốt công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng đã có.  Phát triển cây Dó bầu để lấy giống, lấy gỗ, các sản phẩm khác và phòng hộ môi trường như cây lâm nghiệp.
- Về lâu dài, khi có khẳng định giá trị, giá trị sử dụng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm trầm hương của cơ quan nhà nước, nếu tốt (giá trị kinh tế cao, thị trường lớn) thì xem đây như 1 loại cây đặc sản,  sẽ quy hoạch phát triển phù hợp với giá trị và thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu trầm và các sản phẩm của nó.
2. Về tạo và cấy trầm
Tiếp tục theo dõi và nghiên cứu phương pháp tạo trầm nhân tạo của doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc - tỉnh Quảng Nam và phương pháp cấy trầm của Trung tâm Lâm đặc sản rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để có kết luận chính thức, nếu thành công thì đưa áp dụng đại trà. Phương châm chỉ đạo là cây Dó bầu phải cấy tạo trầm rồi mới đưa vào chưng cất hoặc tạo mảnh. Không đưa loại gỗ chưa được kích thích tạo  trầm vào chế biến. Cần có đầu tư, nghiên cứu  tạo trầm theo các phương pháp khác nhau để sớm có kết luận. 
3. Chiết xuất tinh dầu Trầm
Cần phải sơ kết, đánh giá cơ sở chế biến Hoàng Lân để rút ra cái được, chưa được, nguyên nhân, giải pháp sáp tới. Trên cơ sở đó để chỉ đạo Ban quản lý RPH Ngàn Sâu trong việc xây dựng nhà máy chiết xuất tinh  dầu trầm hay chờ kết luận của Trung ương. Nếu tiếp tục xây dựng thì phải đảm bảo nguyên tắc xây dựng nhà máy với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.
4. Giống
Tăng cường công tác quản lý giống. Trước mắt phải điều tra khảo sát một số cây trội có khả năng cho nhiều trầm chọn làm cây mẹ nhằm cung cấp nguồn giống cho việc trồng trong thời gian tới. Hoàn thiện, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất giống bằng công nghệ dâm hom nuôi cấy mô tế bào.
Về lâu dài : Tâp trung chỉ đạo xây dựng vườn giống cây đầu dòng hữu tính Dó bầu tại Truông Bát đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đầu tư.
5. Sâu bệnh hại cây Dó bầu
Đề xuất các cơ quan chuyên môn nghiên cứu 2 loài sâu :
- Đối với sâu ăn lá: Xác định tên loài, nghiên cứu đặc tính sinh lý, sinh thái để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.
- Đối với sâu đục thân: Cần nghiên cứu một cách toàn diện về loài sâu này, nếu có ích trong việc xúc tiến tạo trầm thì có biện pháp phát triển, nếu không có ích thì tìm biện pháp phòng trừ.
V. Kiến nghị:
* Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, Nghành có liên quan :
1. Sớm có đề tài nghiên cứu và đưa ra kết luận về giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của trầm hương và các sản phẩm của nó. Tổng kết các đề tài nghiên cứu về tạo trầm  nhân tạo, từ đó có những khuyến cáo, định hướng phát triển cây Dó bầu.
2. Xác định loài cây Dó bầu cho trầm hương cao nhất, chất lượng tốt nhất.
3. Có nghiên cứu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trầm hương và các sản phẩm chế biến từ trầm hương.
4. Có nghiên cứu cômh nghệ kích thích tạo trầm nhân tạo, chiết xuất tinh dầu trầm
5. Xác định các loài sâu, bệnh gây hại trên cây Dó bầu và biện pháp phòng trừ.
6. Xây dựng bộ tiêu chuẩn quy định chất lượng sản phẩm tinh dầu trầm chiết xuất và trầm mảnh.

* Đề nghị các chủ rừng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh :
1.  Trên cơ sở định hướng phát triển cây Dó bầu, chủ động có phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển cây Dó bầu một cách phù hợp và hiệu quả . 
2. Đầu tư  nghiên cứu các phương pháp tạo trầm nhân tạo, đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến các sản phẩm từ cây Dó bầu.
3. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ, định hướng cho dân phát triển cây Dó bầu ./.