Các bài thuốc hay từ trầm hương

Các bài thuốc hay từ trầm hương

Những phương thuốc đơn giản phối hợp từ trầm hương và các vị thuốc đông y sau đây theo lương y Huỳnh Văn Quang và lương y Trần Duy Linh sẽ có công dụng trong một số trường hợp bệnh:

Trị chứng xúc động mạnh gây khó thở
Trầm hương hãm với nhân sâm: Bột trầm hương và nhân sâm (mỗi thứ 2 chỉ). Đem hãm với một chén nước sôi khoảng 10 phút, lấy nước để uống. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm trong trường hợp bị xúc động mạnh, khí nghịch lên trên gây khó thở.
 
Trị chứng nấc, nôn ói
Trầm hương với nhục đậu khấu: Bột trầm hương, nhục đậu khấu, hạt tía tô (mỗi thứ 2 chỉ). Cách chế biến cũng đem hãm như trên rồi lấy nước uống, có tác dụng trị chứng nấc, nôn ói do bị lạnh, khí nghịch.
 
Trị đau bụng hoắc loạn
Bài thuốc được kết hợp giữa trầm hương và nhiều vị thuốc khác của tác giả Trương Cảnh Nhạc (Trung Quốc), được viết trong Cảnh nhạc toàn thư:
Trầm hương, đinh hương, mộc hương, hương phụ, kệ hạch, tiểu hồi, trần bì và ô dước tạo giác (mỗi loại 12 gr). Tất cả đem tán bột, uống với rượu để trị: đau bụng hoắc loạn (muốn nôn mà nôn không được); đau bụng do sán khí (khí lạnh đình trệ trong bụng làm cho khí bế tắc không lưu thông được).
 
Chữa tiêu hóa kém, nôn mửa, đau dạ dày
Trầm hương, bạch đậu khấu, mỗi thứ 5g, tán nhỏ, rây bột mịn, chia làm 10 gói. Mỗi ngày, người lớn uống 3-4 gói; trẻ lớn tuổi uống 2 gói; trẻ nhỏ, 1 gói. Cho thuốc vào nước nóng già, khuấy đều, để lắng rồi chắt uống.

Chữa hen suyễn
Trầm hương 2g, lá trắc bá 3g, tán bột, rây mịn, uống trước khi đi ngủ.
 
Chữa tinh thần xúc động, khí dồn lên thở gấp
Trầm hương, nhân sâm, ô dược, hạt cau, lượng mỗi thứ 4g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày.
 
Bài dùng cho nam giới
Bài này dùng cho những trường hợp nam giới bị lạnh ở bụng dưới; tay, chân thường xuyên lạnh; khả năng sinh dục bị suy yếu: Bột trầm hương, nhân sâm, quế nhục, ngũ vị tử và chích thảo (cam thảo đã sao) đem hãm với nước sôi để uống.