Các loài cây sinh ra trầm hương

Các loài cây sinh ra trầm hương

I. Các loài cây dó tạo ra trầm hương
Trầm hương sinh ra từ cây dó, nhưng không phải loài dó nào cũng tạo ra trầm hương. Theo thống kê của ngành thực vật học, thế giới có khoảng 25 loài dó, nhưng chỉ 19 loài có khả năng cho trầm hương:

(1) Aquilaria grandiflora Bth,  (phân bố ở Trung Quốc);
(2) A.sinensis Merr hoặc  A.chinesis, (phân bố ở Trung Quốc);
(3) A.yunnanensis.S.C.Huang, (phân bố ở Trung Quốc);
(4) A.beccariana Van Tiegh, (phân bố ở Ấn Độ, Malaysia, Indonesia);
(5) A.microcarpa Baill, (phân bố ở Malaysia, Indonesia);
(6) A.hirta Ridl, (phân bố ở Malaysia, Indonesia, Singapore);
(7) A.rostrata Ridl, (phân bố ở Malaysia);
(8) A.subintegra Ding Hou, (phân bố ở Thailand);
(9) A.malaccensis Lamk, (phân bố ở Ấn Độ, Bhutan, Malaysia, Indonesia, Lào,Thailand);
(10) A.moszkowskii Gill (phân bố ở Indonesia);
(11) A.cumingiana (Decne) Ridl, (phân bố ở Philippines);
(12) A.filaria (Oken) Merr., (phân bố ở Philippines);
(13) A.apiculata Merr., (phân bố ở Philippines);
(14) A.acuminate (Merr.) Quis, (phân bố ở Philippines);
(15) A.crassna Pierrei ex Lecomte, (phân bố ở VN, CPC, Lào);
(16) A.baillonii Pierrei ex Lecomte, (phân bố ở VN, CPC);
(17) A.banaense P.H.Ho, (phân bố ở VN)
(18) A.rugosa L.C.Kiet & P.J.A.Kessler, (phân bố ở VN);
(19) A.khasiana H.Hallier (phân bố ở Ấn Độ, Bhutan).

 Ở nước ta theo thống kê trên, có 4 loài dó có khă năng cho trầm hương được định danh là:
(1) ) Aquilaria crassna  Pierre ex Lecomte, tìm thấy năm 1899, tiếng Việt hay gọi là cây dó Bầu, phân bố  khắp các vùng trong cả nước (từ Hòa Bình đến Kiên Giang). 

Hình 1: Dó Bầu Aquilaria crassna
1- Cành lá; 2- Mạng lưới gân lá; 3- Cành mang hoa tự; 4- Mặt cắt dọc hoa;
 5- Mặt cắt ngang bầu nhụy; 6- Quả; 7- Mặt cắt ngang quả

 


(2) Aquilaria baillonii Pierre ex Lecomte, tìm thấy năm 1915, tiếng Việt hay gọi là cây dó Gạch, phân bố ở Thừa Thiên-Huế, Quãng Nam-Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Hình 2:  Dó Gạch Aquilaria bailonii
 1-Cành mang lá; 2- Mạng lưới gân lá ; 3-Mặt cắt dọc hoa; 4- Mặt cắt dọc bầu nhụy;
5- Bao phấn; 6- Phần phụ cánh hoa.

(3) Aquilaria banaensis P.H.Ho, tìm thấy năm 1986, tiếng Việt hay gọi là cây dó Bà Nà, phân bố ở Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã), Đà Nẵng (Bà Nà).


Hình 3:  Dó bà nà Aquilaria
1- Cành mang quả; 2- Mạng lưới gân lá; 3-Mặt cắt dọc quả; 
4- Hình thái bầu nhụy.

(4) Aquilaria rugosa L.C.Kiet & P.J.A.Kessler, tìm thấy năm 2005, tiếng Việt  gọi là cây dó Quả nhăn, phân bố ở Kon Tum.


Hình 4: Dó quả nhăn Aquilaria rugosa

 

Ngoài 4 loài dó có khả năng cho trầm hương trên dây, theo Vũ Văn Dũng và Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra quy hoạch rừng VN), nước ta còn có 2 loài dó cũng cho trầm, gồm: (1) G.vidalii Pham Hoang Ho –  Dó bụi (bụi trườn), phân bố Đông Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, đường kính cây từ 4 – 5cm, loài này cho trầm tự nhiên khá tốt; (2) Linostma deccandrum Wallich ex Endlicher – dó Leo, phân bố ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Kiêng Giang, cây cao 5 – 10m, loài này cho trầm tự nhiên không tốt.

Theo Giáo sư Gishi Honda (Đại học Tokyo - Nhật Bản), loài dó bầu Việt Nam cho trầm hương tốt nhất thế giới. Điều này đã được Lê Qúi Đôn (1726 -1784) viết trong Phủ biên tập lục:" Kỳ nam hương xuất từ các xã thuộc phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ  Quảng Nam là tốt nhất, xuất từ Phú Yên và Qui Nhơn là thứ hai " và theo Nguyễn Phước Tương trong bài viết về nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn, thì " … Hình như trên thế giới chỉ có trầm hương Đàng trong ở xứ  Quảng là nổi tiếng hơn cả, vì vậy mà ngày xưa dưới thời chúa Nguyễn các quốc gia theo đạo Phật, đạo Hồi ở vùng Đông Nam Á đều rất ưa chuộng trầm hương ở xứ Quảng ".

Cây dó bầu – Aquilaria crassna đã và đang được các tổ chức và cá nhân ở nước ta trồng khắp mọi vùng miền. Hiện có 2 hình thái về cây dó, thường gọi là dó bầu (vỏ màu xám trắng, gỗ màu trắng, hơi mềm, lá dày và lớn) và dó me (vỏ màu sậm, gỗ màu vàng, cứng, lá thưa và nhỏ). Chưa có cơ sở xác nhận dó bầu và dó me là khác loài. Có thể đây là biểu hiện của sự biến đổi về hình thái, nhưng chúng đều là loài Aquilaria crassna.
 
II. Cây dó bầu - Đặc điểm hình thái
Cây dó bầu có thể cao 30 - 40m, đường kính 50-80 cm hoặc hơn , tán thưa, thân thẳng, vỏ màu xám, nhiều xơ. Lá đơn, mọc cách có dạng hình trứng, đầu mũi nhọn, phiến lá dài 8-12 cm, rộng 3-6 cm, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới hơi xám. Cây trên 3 tuổi có thể ra hoa. Hoa lưỡng phái, hình chuông, màu trắng, có nhiều lông ở miệng. Quả nang hình trứng, dài 3-4 cm; mỗi quả thường cho một đến hai hạt. Dó bầu là cây mọc nhanh, ở tự nhiên mức tăng trưởng có thể 1,0-1,2 mét/năm đối với chiều cao, 1,5-2,5 cm/năm đối với đường kính; gỗ màu trắng hoặc màu vàng nhạt, mềm, nhẹ, không phân biệt giác, lỏi.
                       
III. Cây dó bầu - Đặc điểm sinh thái
Dó bầu là cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, khi lớn thiên về sáng, mọc rãi rác trong các khu rừng thuộc kiểu ẩm nhiệt đới nguyên sinh hoặc thứ sinh, xanh quanh năm, sống thích hợp trong rừng hỗn giao, cây lá rộng. Cây dó bầu có thể tái sinh bằng chồi hoặc bằng hạt, sinh trưởng, phát triển trong các điều kiện: Nhiệt độ bình quân 20 - 25oC; lượng mưa hàng năm trên 1.200 mm; độ ẩm không khí trên 80%; độ cao dưới 1.200m trở lại, so với mặt nước biển; độ dốc dưới 45o trở  xuống. Cây dó bầu có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất núi, đất đỏ xám, đỏ vàng, đất feralit, thích hợp nhất là đất nâu vàng, đất thịt lẫn đá còn tính chất rừng, không thích hợp đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng.

IV. Cây dó bầu - Đặc điểm sinh học
 Cây dó bầu có khả năng sinh ra trầm hương. Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu là do: "Sự biến đổi phân tử của gỗ dưới ảnh hưởng của một loại bệnh gây ra" (Cây thuốc Campuchia, Việt Nam, Lào - Alfred Pe'telot, 1954 ). Gỗ cây dó bầu có cấu tạo đặc biệt là hiện tượng libe xen giữa các thớ gỗ, có thể dẫn chất nuôi cây từ đây, nhờ đó nên dù vỏ bị bóc sạch mà cây không chết. Có thể đây là một trong những điều kiện tự nhiên cho quá trình hình thành trầm hương trên cây dó bầu.
 Trong thiên nhiên thường bắt đầu từ những tác động nào đó, gây ra các tổn thương nhất định trên cây, khi đó một loại kháng sinh trong thân cây được “huy động” đến nơi bị thương để bao vây, ngăn chặn và chính sự tương tác đó là những điều kiện để hình thành trầm hương. Quá trình này diễm ra trong tự nhiên hết sức ngẫu nhiên và lâu dài. Điều này là một trong những lý giải tại sao không phải cây dó nào trong rừng tự nhiên cũng cho trầm và câu ngạn ngữ: “ Ngậm ngãi tìm trầm” có thể bắt nguồn từ đây.
Theo những người khai thác trầm trước đây, do kinh nghiệm, họ tác động có ý thức vào cây dó tìm được trong rừng  bằng cách khoét trên thân cây những lổ có kích thước khác nhau hoặc chặt (còn gọi là mở miệng), để nhiều năm sau quay lại khai thác được trầm.Từ xưa người ta biết cây dó ở thiên nhiên có trầm là cây có tán lá ngừng phát triển, chót cành ngừng ra lộc, màu lá từ màu xanh đậm sang màu xanh vàng. Khi trầm trong cây dó phát triển tăng lên về số lượng và chất lượng thì lá chuyển thành màu vàng, rụng nhiều, vỏ cây xuất hiện sần sùi, một số cành bắt đầu khô. Từ lúc cây mới nhiễm bệnh "ăn trầm" đến khi trầm có chất lượng cao phải mất vài chục năm hoặc lâu hơn.
Trầm hương ở thiên nhiên có thể hình thành bất kỳ nơi nào trên cây dó, nhưng phần nhiều tập trung ở phần thân gần gốc và rễ. Số lượng và chất lượng trầm hương khai thác ở thiên nhiên phụ thuộc vào các yếu tố như loài và tuổi cây, đất đai, địa hình, khí hậu thời tiết, thời gian nhiễm bệnh tụ trầm … Và ở mỗi nơi, mỗi vùng trầm hương thu được trên những cây dó "nhiễm bệnh" không giống nhau về kích cở, màu sắc, trọng lượng, thứ hạng, mùi hương. Riêng kỳ nam hầu như chưa có tài liệu nào cho biết sự hình thành của chúng ở loài  dó nào hay do một loại nấm hoặc vi khuẩn đặc biệt nào đó, trong điều kiện sinh trưởng khác thường nào đó … tạo nên. Tuy nhiên, theo những người khai thác và mua bán trầm kinh nghiệm lâu năm thì kỳ nam chỉ tìm thấy ở một số vùng nhất định ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng) và Khánh Hòa, nhưng khó tìm thấy trên cùng một cây dó vừa có trầm vừa có kỳ nam.


Description: DSC02228

Aquilaria crassna  Pierre ex Lecomte (VN)

Dó Liệt -Aquilaria           (VN)

Dó Me

Aquilaria Beccarain Van Tiegh (Ấn Độ)

Aquilaria malaccensis Lamk (Myanmar)

Description: howto_13

Cách tạo trầm