Công dụng của trầm hương

Công dụng của trầm hương

1. Tính hấp dẫn của hương trầm: Trầm hương có tính chất cháy cao, khi đốt tỏa mùi rất thơm và được cho là hương thơm hữu ích bật nhất. Nhiều nước phương Đông có tập quán đốt trầm hương hoặc nhang sản xuất từ trầm hương trong dịp cúng  lễ tổ tiên, đất trời, thần thánh; đốt trầm hương để chữa bệnh, trừ tà, tạo sự may mắn, hưng phấn. Một số tôn giáo đốt trầm hương trong các nghi lễ được xem là vật giao lưu truyền cảm giữa con người của thế giới thực tại với thế giới thần linh. Từ thời cổ xưa đến thế giới ngày nay, trong các cung điện, đền đài nguy nga tráng lệ, các chùa chiềng, thánh thất, đình miếu … đốt trầm hương được coi là hình thức dâng cúng linh thiêng cao quý nhất. Đốt trầm hương, thưởng thức hương trầm được coi là tao nhã, có lợi cho sức khỏe, thể hiện quyền thế, địa vị chính trị - xã hội của con người, nhất là ở Nhật Bản, Đài Loan.

Description: sp1
Đốt trầm cho hương thơm

Trầm hương còn sử dụng vào các mục đích khác như: Làm vật cất giữ có giá trị, làm quà biếu bang giao, làm vật trang trí đặc biệt nơi ở của vua chúa, của các vị chức sắc tôn giáo cấp cao, mang theo bên mình hoặc cất giữ trong nhà để phòng gió độc, tạo sự may mắn. Trầm hương còn dùng để ướp xác, để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và một số vật dụng khác.

2.  Trầm hương là dược liệu quý: Theo Đông y,  trầm hương là vị thuốc quý  hiếm,  vị cay, tính  ôn, có  tác  dụng  dáng khí,  nạp thận, bình can tráng  nguyên dương, chữa các bệnh đau bụng,  đau ngực,  nôn mửa,  hen suyển,  lợi tiểu,  giảm đau,  trấn tĩnh,  hạ sốt,  cấm khẩu,  thổ huyết, khó thở, kích dục …
Theo Lê Trần Đức trong sách: " Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông " (1971) thì từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên nhân dân ta đã dùng trầm hương để phòng và chữa bệnh .Vào thế kỷ thứ  XIV, trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết về trầm hương: " Vị cay, khí rất thơm, tính ấm, thông quan, trị phong độc, trúng độc, trừ tà, ấm dạ dày, bổ nguyên dương, tiêu hoá ".

Trong tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo (quyển thượng và quyển hạ) thuộc bộ sách Hải thượng y tông tâm lĩnh của  Hải Thượng Lãn Ông  cũng như trong sách " Tủ thuốc nhân dân " (1953 - 1954) của Võ Văn Hưng ; sách " Việt Nam  dược vật thực dụng " (1957) của Đỗ Phong Thuần;  sách " Đông y gia truyền " (1957) của Lê Văn Khuyên; sách " Dược liệu Việt Nam " (1978);  sách " Y học Cổ truyền dân tộc " ( tập II - 1985) của Trường Đại học Y dược Hà Nội ; sách " Hiểu biết cơ bản về phương dược theo Y học cổ truyền " (1983) của Nguyễn Trung Hoà; sách " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam " (tái bản năm 2004) của GS Đỗ Tất Lợi và nhiều tài liệu khác về dược liệu, đông y, đều cho trầm hương là dược liệu qúy, sử dụng trong hàng trăm bài thuốc y học cổ truyền, chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Theo Tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương), có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch (suy tim, đau ngực), bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về thần kinh (an thần, mất ngủ, giảm đau, trấn tĩnh …), bệnh về tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), bệnh về tiết niệu (bí tiểu tiện). Đặc biệt các giáo sư của Nhật Bản đã tìm ra một Sesquiterpens mới trong trầm hương VN (Kỳ Nam từ Khánh Hòa) và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh – BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor). Có thể từ kết quả nghiên cứu này mà đến nay Nhật Bản là quốc gia có lượng Kỳ Nam lưu giữ nhiều nhất thế giới.Một số kết quả nghiên cứu mới đây của các tác giả Mỹ, Đài Loan đã nghiên cứu cho thấy tinh dầu trầm làm hạn chế phát triển các tế bào ung thư, nhiễm độc phóng xạ, nên họ đang tập trung nghiên cứu thuốc để trị ung thư và nhiễm phọng xạ.

3. Tính chất đặc biệt của tinh dầu trầm hương: Tinh dầu trầm hoặc dầu trầm được chiết suất từ trầm hương hoặc từ gỗ cây dó đã tạo trầm, là chất lỏng sánh, màu vàng hoặc màu hổ phách, cho mùi thơm đặc trưng. Có rất nhiều loại tinh dầu trầm được chiết suất từ các loại trầm hình thành trên các loài dó khác nhau, có giá trị  sử dụng và giá trị khác nhau. Sự khác nhau đó thể hiện bên ngoài dễ nhận biết nhất là: Mùi hương, lưu mùi và giá mua bán.

Description: 11-8-2010 4-27-58 PM
Tinh dầu trầm, ảnh minh họa

Một số hợp chất của tinh dầu trầm được sử dụng trong lĩnh vực y dược, hóa mỹ phẩm. Đặc biệt tinh dầu trầm hoặc dầu trầm có tính chất sử dụng vừa phổ biến vừa linh thiêng huyền bí đối với các tín đồ Hồi giáo, nhất là khu vực Trung Đông. Các loại phấn sáp, các loại kem, các loại nước hoa sử dụng các hợp chất huyền dịu của tinh dầu trầm, có khả năng làm biến đổi những đặc tính bên ngoài và bên trong của làn da như: xoá vết nám, vết mụn, vết tàn nhang … làm cho lổ chân lông mở ra hay hẹp lại theo sự thay đổi của khí chất mà không tạo ra những phản ứng phụ cho da. Sử dụng hoá mỹ phẩm có tinh dầu trầm làm cho da dẽ mát dịu, con người thêm tươi tắn, hưng phấn, vì thế chúng được xem như là người bạn vĩnh hằng của sắc đẹp.
           
Nhu cầu trầm hương trên thị trường thế giới
Trầm hương đã được con người sử dụng hàng ngàn năm qua, vì có nhiều công dụng đặc biệt, chưa có sản phẩm thay thế. Xu hướng tiêu dùng trầm hương vào mục đích làm thuốc chữa bệnh, vào lễ nghi tôn giáo và đời sống tâm linh, để làm sạch môi trường không khí nơi cư trú và nơi làm việc; đặc biệt là các thành tựu mới của khoa học đã tìm ra chất mới trong trầm hương (kỳ nam) nuôi dưỡng tế bào thần kinh, làm cho nhu cầu tiêu dùng trầm hương ngày càng gia tăng.

Thị trường mua bán trầm hương và các sản phẩm trầm hương chủ yếu là Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore (70% tái xuất); thị trường tiêu thụ trực tiếp là khu vực Hồi giáo, Phật giáo và các ngành y dược, hương liệu mỹ phẩm,…Tuy số liệu thống kê của các quốc gia và các tồ chức thương mại, tổ chức quản lý quốc tế chưa đầy đủ và thống nhất, nhưng đã cho thấy thị trường thế giới luôn có nhu cầu trầm hương và các sản phầm chế biến từ trầm hương. Theo CITES, khối lượng mua bán trầm hương trên thị trường thế giới thời kỳ 1995 - 1997 khoảng 1.350 tấn. Trong thời kỳ  1993 - 2003 Đài Loan đã nhập khẩu hơn 7.617 tấn và thời kỳ 1991 – 2002 Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 281 tấn.
Trầm hương mua bán trên thị trường hầu hết là khai thác từ thiên nhiên. Các nước có nguồn trầm hương cung cấp cho thế giới tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và vài quốc gia khác như : Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Papua  New Guinea. Tuy nhiên, nạn khai thác trầm hương vào những thập niên cuối của thế kỷ XX có tính chất hủy diệt, làm cho nguồn cung cấp trầm hương trên thị trường ngày càng cạn kiệt. Chẳng hạng năm 1993, Indonesia khai thác và xuất khẩu hơn 661 tấn thì năm 1997 chỉ còn 302 tấn; tương tự như Indonesia, Malaysia từ 43,6 tấn còn 21,6 tấn; Campuchia năm 1995 khai thác và xuất khẩu 133,8 tấn thì 3 năm sau chỉ còn 13,2 tấn; Ấn Độ năm 1995 xuất khẩu 15,1 tấn thì năm 1997 chỉ còn 1,4 tấn.
Ở Việt Nam, theo thống kê của ngành Thương mại từ năm 1986-1990, khai thác và xuất khẩu khoảng 1.163,9 tấn trầm hương thiên niên. Nhưng cũng giống như các nước là số lượng ngày càng giảm sút. Chẳng hạn năm 1985 khai thác và xuất khẩu 216,1 tấn thì năm 1990 chỉ còn 73,4 tấn.
Trầm hương được mua bán dưới  nhiều hình thái khác nhau, nhưng các nước có nguồn trầm hương, phần nhiều là xuất khẩu dạng mảnh, miếng chiếm 95%, dạng gỗ chiếm 3%, dạng bột chiếm hơn 1% và tinh dầu dưới 1%. Vừa qua, hiện nay và những năm tiếp theo khối lượng trầm hương mua bán trên thị trường sẽ giảm sút nghiêm trọng do nguồn cung cấp từ thiên nhiên đã cạn kiệt và bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của Chính phủ các nước và Công ước Quốc tế cấm mua bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES),  nên cung cách xa cầu, làm cho giá cả ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, một kg kỳ nam của nước ta, thập niên 80 giá từ 1.500 - 5.000 USD, nay tăng lên 30.000 - 100.000 USD (tùy theo loại); trầm hương loại 1 từ 800 -1.200 USD, lên 9.000 - 10.000 USD; các loại khác cũng có mức tăng từ 10 đến 15 lần. Tinh dầu trầm hương hiện nay tùy theo chất lượng, loài cây, xuất xứ và công nghệ chiết suất, có mức giá từ  2.500 đến  100.000 USD/lít.

Điều lưu ý là có khỏang 19 loài dó cho trầm hương và mỗi loài dó cho trầm  rất khác nhau về hạng, loại, thứ loại và giá trị sử dụng, nên giá cả rất khác nhau. Có loài dó tạo ra trầm chỉ bán với giá 20 USD/kg, nhưng có loài tạo ra trầm bán với giá hơn 100.000USD/kg. Do đó, phải nhận biết và chọn loài dó cho trầm nhiều và tốt nhất để trồng.