Từ cây Dó bầu đến Trầm hương

Từ cây Dó bầu đến Trầm hương

Trong các cánh rừng Nhiệt đới của Châu Á, đặc biệt vùng Đông Nam Á, thiên nhiên đã ban tặng cho một số loài trong chi Dó (Aquilaria Lam.) thuộc họ Thymelaeaceae, một đặc ân vô cùng qúi giá, đó là khi bị nhiễm bệnh, già cỗi, thậm chí đã chết từ lâu có khả năng tạo ra một hương liệu quí là Trầm. Đặc biệt, đất mẹ còn hào phóng cho riêng loài Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte mọc chủ yếu ở các tỉnh Miền Trung Việt Nam(có thể rải rác ở Lào, Thái Lan) một sản phẩm độc đáo hơn, có giá trị cao nhất trong các loại Trầm là Kỳ ( do chỉ có ở vùng đất phương Nam so với các nước phiá Bắc nên có tên là Kỳ Nam).
Từ ngàn xưa, cây Dó bầu Việt Nam, đã được nhân dân cả nước và các thương khách ngoại quốc đánh giá cao, do các đặc tính vượt trội về hương liệu, mỹ phẩm và dược liệu. Và khi có Trầm hay Kỳ Nam, trong tự nhiên, lập tức bị khai thác kiệt. Tuy nhiên, trước chiến tranh, việc tìm Trầm chỉ hạn chế trong một số nhỏ người chuyên nghiệp, vì đây là công việc hết sức nguy hiểm, khó khăn và vất vả. Cây Dó bầu thường chỉ mọc rải rác trong rừng sâu, nơi  địa hình phức tạp, khó di chuyển. Các sản phẩm thu được không nhiều, kim ngạch buôn bán không cao, mặc dù Trầm hương –Kỳ Nam là mặt hàng luôn ở vị trí hàng đầu, và cung không bao giờ đủ cho cầu.
Hòa bình trở lại, nước Việt Nam thống nhất, cùng với sự khai thác ồ ạt các loài cây gỗ để xuất khẩu thu ngoại tệ, thì Cây Dó bầu cũng được nhiều người săn lùng, triệt phá do việc đi lại it nguy hiểm và quản lý lỏng lẻo. Như thế, chỉ sau khoảng trên 10 năm, cùng với sản lượng gỗ không còn nhiều, Cây Dó bầu mọc tự nhiên cũng hầu như không còn nữa, lâu lắm, mới có vài thợ rừng kiếm được một cây lẻ loi. Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, người dân củng như các chủ trang trại bắt đầu gây trồng cây Dó bầu từ các hạt giống thu hái được trong tự nhiên, với hy vong sau vài năm gây trồng có chăm sóc, quản lý, có thể khai thác được sản phẩm Trầm. Như thế giá thành một Hecta trồng Dó bầu sẽ cho lợi nhuận cao nhất so với việc trồng các loài cây gỗ khác như Quế, Cao su, Ca cao..
Cây Dó bầu được trồng rầm rộ làm cho các nhà sản xuất giống không kịp phân biệt được các loài trong Aquilaria và các nguồn gốc xuất sứ của hạt giống. Năm tháng trôi đi, cây Dó bầu bắt đầu trưởng thành, nhưng các phương thức hữu hiệu để có thể làm cho cây Dó bầu tạo ra được Trầm vẫn còn đang ở phía trước. Lúc này có không ít người tự chế ra các chế phẩm cho rằng có thể kích thích cây Dó bầu mắc bệnh và  tạo ra hương liệu Trầm như thiên nhiên đã từng thực hiện. Thành công và thất bại luôn song hành với nhau, làm cho các nhà trồng Dó bầu vừa sốt ruột vừa hoang mang, thậm chí có người phá bỏ cả trăm cây Dó bầu trồng gần 10 năm để lấy đất trồng cây khác có thu hoạch ngay và chắc chắn.
Nhìn ra các nước bạn lân cận, nhiều thông tin cho thấy việc sản xuất hương liệu, tinh dầu Trầm cũng có các thành công bước đầu và tinh dầu bán ra thị trường đều có giá trị cao. Ngược lại, việc sản xuất và chế biến tinh dầu Trầm của Việt Nam còn hết sức khiêm tốn chưa đáp ứng được với lượng cây Dó bầu đang trồng từ Bắc vào Nam. Trước hoàn cảnh cấp bách này, chính phủ Việt Nam đã có chủ trương cho thành lập Hội trầm hương để có thể tập hợp mọi đối tượng có liên quan đến cây Dó bầu nhằm xác định loài cây rừng này thực sự là cây kinh tế cao, ổn định và phát triển bền vững.
Hội Trầm hương Việt Nam ra đời với Quyết định cho phép thành lập của Bộ Nội vụ ngày 11 tháng 01 năm 2010. Đã Đại hội thành lập Hội ngày 20 thánh 3 năm 2010, và Hội chính thức hoạt động theo quy định của pháp luật ngày 23 thánh 6 năm 2010, sau khi Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ Hội.
Hội Trầm hương Việt Nam đang đứng trước nhiều trọng trách nặng nề, phải giải quyết tất cả các bước cơ bản về cây Dó bầu.
Về trồng cây Dó bầu. Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước Việt Nam đã trồng được khoảng 20.000 ha ,tương đương với trên 20 triệu cây Dó bầu( chưa kể các hộ nông dân trồng rải rác it cây trong vườn.).Để có con số chính xác, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, tổ chức điều tra hiện trạng trồng cây Dó bầu thông qua các phiếu đăng ký qua mạng của Hội Trầm hương. Qua đó, ổn định việc sản xuất và tìm cách mở rộng quy mô gây trồng. Cây Dó bầu mọc khá nhanh không kém gì các cây trong danh mục trồng rừng hiện nay. Sau 5 năm trồng từ hạt, với khoảng cách trồng hợp lý, rừng Dó bầu bắt đầu khép tán, và đóng vai trò cải thiện môi truờng hữu hiệu. Thành công này đã đưa cây Dó bầu thoát khỏi danh sách các loài cây có nguy cơ tuyệt diệt, và tăng diện tích phủ xanh đất rừng. Tuy nhiên,  cần phân biệt được các xuất sứ cây trồng và phân biệt được chủng nào trong loài Dó bầu (Aquilaria crassna) có khả năng cho Trầm tốt nhất (nếu được cho Kỳ), cùng với tìm được các loại đất thích hợp, các kỹ thuật trồng ,chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh…Các hội nghị, hội thảo sẽ cho thấy các giải pháp tốt nhất.
Về phương pháp tạo Trầm. Với số lượng cây khá lớn trên các vùng lập địa khác biệt, ở các độ tuổi khác nhau, việc tạo Trầm trên cây Dó bầu với các chế phẩm đơn điệu rất khó thành công trên đại trà. Hiên nay, có sử dụng nhiều phương pháp như Vật lý, Hóa học và Sinh học thực nghiêm trên cây Dó bầu, nhưng kết quả đều cho Trầm chất lượng thấp. Công việc trước mắt là cần tổ chức tổng kết xem các phương thức tạo Trầm với các chế phẩm khác nhau trên các thực nghiệm đồng loạt ở các cấp độ tuổi khác nhau, nơi có dạng lập địa và đất khác biệt. Từ đó tổng kết được công nghệ tạo Trầm có tính khoa học vừa cho năng suất cao vừa cho hương liệu lý tưởng. Ngoài ra, để nhanh chóng có được phương pháp hữu hiệu, Hội Trầm hương lập kế hoạch tập hợp kêu gọi các nhà khoa học đề suất một số đề tài, chương trình nghiên cứu tạo Trầm thông qua ngân sách Nghiên cứu khoa hoc công nghệ của nhà nước, hoặc được sự hỗ trợ kinh phí trong các nguồn tài trợ về Rừng của các tổ chức quốc tế cho Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Mặt khác, Hội xin được Bộ Nộng nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép hoặc ủy quyền thay mặt Bộ quan hệ trưc tiếp với các Hội Trầm hương hay chính phủ các nước có quan tâm đến việc sản xuất Trầm. Như vậy, việc trao đổi khoa học cũng như học hỏi nhanh chóng được các phương pháp tạo trầm cho năng suất cao.(hiên nay đã có một số nước trong Asean đặt vần đê), giúp cho các nhà vườn và  nhân dân đang trồng cây Dó bầu trồng thoát ra khỏi tình trang chờ đợi, và tiếp tục đầu tư. Mục tiêu chính là xác định phương pháp tốt nhất ,trên tuổi cây và thời hạn tạo Trầm hiệu quả nhất trên cây Dó bầu trồng thuộc các vủng lãnh thổ khác nhau của cả nước.
Về chế biến cây Dó bầu đã tạo Trầm. Hiện nay,mục tiêu của các nhà trồng cây Dó bầu đã cấy chế phẩm tạo Trầm là cất được tinh dầu Trầm cho hương bền và thơm nhất. Công nghệ chế biến, nấu cất tinh dầu hiện nay vẩn theo quy trình thủ công cổ điển bằng cất kéo hơi nước. Công nghệ này cho năng suất thấp, tốn kém năng lượng và chất lượng tinh dầu không cao, từ đó sản phẩm it được thị trường nước ngoài ưa chuộng, giá thành thấp. Các nồi cất tinh dầu mua từ nước ngoài có giá thành cao, dung lượng nhỏ, mỗi mẻ nấu được ít nguyên liệu, nên chưa phổ biến. Công nghệ sản xuất tinh dầu cần được cải thiện, hy vong với các quan hệ quốc tế tốt, có thể tổ chức các chuyến tham quan các cơ sở chế biến tinh dầu hiên đại của các nước xuất khẩu tinh dầu Trầm chất lượng cao, ngõ hầu giúp cho việc sản xuất tinh dầu trong nước sánh kịp quốc tế.
Về xúc tiến thương mại. Việc quảng bá rộng rãi ngành sản xuất Trầm hương nhân tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế là vấn đề khá cấp bách và thời sự. Hiện nay các sản phẩm tạo ra từ cây Dó bầu trồng của Việt Nam khá đa dạng từ Trầm cảnh, Trầm miếng, Bột nhang đến Tinh dầu, đều có khả năng tiêu thụ rộng trên các thị trường khác nhau trên thế giới( vì nhu cầu của các nước, các khu vực trên thế giới có khác nhau). Các nhà buôn bán Trầm hương Việt Nam đã có ít nhiều quan hệ với các thị trường khác nhau, và thương hiệu Trầm hương Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, thương hiệu đó những năm qua có hiện tượng bị mai một trên thị trường quốc tế, vì nhiều vấn đề cần nâng cấp như xác định rõ ràng xuất xứ, nơi sản xuất, tiêu chuẩn SP, sản lượng nhỏ, chất lượng không đồng đều, thủ tục hồ sơ còn rườm rà. Hy vong với sản phẩm Trầm hương nhân tạo sản xuất từ cây Dó bầu trồng sẽ không vướng vào các công ước quốc tế về buôn bán như Cites. Sau khi được chính phủ bãi bỏ thuế xuất khẩu các sản phẩm từ cây Dó bầu trồng, mục tiêu trước mắt của Hội là thiết lập được nhiều mối quan hệ với nhiều thị trường.
Với 4 vấn đề cấp thiết nêu trên, thách thức và khó khăn đặt ra trước mắt cho Hội Trầm hương Việt Nam nhiều công việc phải làm. Hy vọng với nhiệt tâm của mọi hội viên, với đoàn kết và chia sẻ của ban chấp hành, dưới sự chỉ đạo thiết thực của Bộ Nông nghiệp và phát triền Nông thôn và chính phủ Việt Nam, cây Dó bầu xứng đáng là một trong các cây rừng vừa xóa đói giảm nghèo, vừa làm giầu cho đất nước.

Trần Hợp
Chủ tịch Hội Trầm Hương Việt Nam.