Luật phu trầm và lời nguyền rừng thiêng
Có những luật lệ bất thành văn buộc phu trầm phải thuộc nằm lòng, nếu không, họ phải trả bằng máu và nước mắt. Đó là lời nguyền của rừng thiêng khi các phu trầm xâm phạm.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”
Lão phu trầm Nguyễn Văn Hường (65 tuổi) làng Trung Viên, Quế Trung, huyện Nông Sơn - người hơn 20 năm vác búa lên rừng tìm trầm - nói với tôi rằng với dân đi “điệu” (tìm trầm) cần sức khỏe, nhưng việc đầu tiên là phải biết luật phu trầm mà hành xử.
Trúng trầm, lão cầm tiền tỷ trong tay. Nhưng lão bảo cái nghề tìm trầm chẳng thấy ai giàu có. Bởi “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Mỗi phu trầm phải nhớ câu đó mà hành xử với nhau cho phải đạo mới mong bảo toàn mạng sống.
Trong lần thọ giáo đầu tiên với lão phu trầm Hồ Xoa (84 tuổi), lời của lão vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: “Đã là dân đi điệu phải đoàn kết, gắn bó, không hám lợi riêng. Nếu vì tư lợi mà sát hại, lừa lọc sẽ bị rừng bắt tội, quả báo, chết không nhắm mắt… “.
Sau mỗi cơn sốt trúng trầm kỳ là thanh niên các làng trầm lại lũ lượt kéo nhau lên rừng bất chấp hiểm nguy rập rình nơi rừng thẳm |
Nếu được lộc “bà Cô”, cả nhóm phải nhanh chóng thu dọn trầm. Nhưng không được lấy hết, phải để một ít trầm kỳ rơi vãi lại cho người đến sau hưởng và chia nhau cắt rừng đưa hàng về cho an toàn. Sau đó, hẹn một điểm để cùng bán và chia phần. Ai phát hiện kỳ nam sẽ được chia thêm một phần - lão Xoa giảng giải.
Lời giảng của lão phu trầm Hồ Xoa khiến tôi nhớ tới câu “Lộc bất tận hưởng”, đó là qui định bắt buộc - mà như lời lão - là lời nguyền muôn thuở của phu trầm nơi rừng thẳm.
Một luật khác là khi trúng trầm, dù nhiều hay ít, khi bán xong phu trầm phải chia tiền cho mọi người trong làng, tùy lòng hảo tâm, không được hưởng một mình.
Người dân ở các làng trầm có quan niệm: khi trong làng có người trúng trầm thì sẽ có ít nhất từ hai đến ba mạng người phải chết thay. Chính vì vậy, mỗi khi làng có người trúng trầm, rất nhiều người bỏ làng đi lánh nạn vì sợ lời nguyền muôn thuở ấy ám vào mình.
Một cựu phu trầm ở Đại Lộc kể chuyện máu và nước mắt đời phu trầm |
Chuyện kiêng kị cũng được qui định rất rõ ràng: trước khi phu trầm vào rừng phải ăn chay nằm đất, phải tắm rửa sạch sẽ, không chung đụng với phụ nữ trước khi vào rừng 3 ngày. Đi phải âm thầm, không nói chuyện bởi trầm kỳ là hiện thân của các thần hộ mệnh trong rừng, muốn gặp trầm thì lòng phải thanh tịnh, không ồn ào.
“Nếu không tuân thủ những quy định bất thành văn đó thì mạng sống của phu trầm khó bảo toàn” - lão phu trầm Hồ Xoa khẳng định.
Lành ít dữ nhiều
Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày cách đây 2 năm, khi cơn sốt trúng trầm kỳ tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam lan rộng, nhiều nhóm giang hồ mặt mày bặm trợn kéo về gây huyên náo cả làng quê, khiến lực lượng công an phải điên đầu xử lý.
Lão phu trầm Hồ Xoa nắm rất rõ về luật trầm kỳ. |
Những phu trầm được cho là trúng tiền tỷ lặn mất tăm, ngay cả vợ con và người thân cũng không hề hay biết họ ở đâu và lo lắng không yên, bởi họ sợ mạng sống của các phu trầm bị đe dọa.
Nghìn người đi trầm, may ra được một vài người trúng. Còn lại đều trắng tay. Thậm chí, nhiều người đã bỏ mạng, mất tích nơi rừng thiêng nước độc. Như trường hợp 5 phu trầm bị chặt đầu vừa qua ở vùng biên giới Quảng Trị mới hiểu nổi đau của nghề săn trầm - phu trầm Nguyễn Văn Hương ở Tiên Phước nói.
Cựu phu trầm Võ Hồng Liên (57 tuổi) thôn Nghĩa Tân, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc - Quảng Nam kể: “Tui cứ tưởng mình rửa tay gác búa, ai ngờ vào một đêm giữa tháng 7/2010 - sau cuộc nhậu với ông Võ QuốcTuấn (55 tuổi) trú cùng thôn rủ rê, tui nổi máu gật đầu lên rừng bỏ lại phía sau lời cằn nhằn của vợ khi phải bán bầy heo con hơn 2 triệu để sắm chuyến”.
Giữa chốn rừng thẳm nếu không biết luật qui định phu trầm khó bảo toàn mạng sống |
Chuyến lên rừng ấy, nhóm của ông Liên và Tuấn quần nát cả vùng rừng K’Bang (An Khê). Đến ngày thứ 8, ông Tuấn hét vang khi phát hiện gốc dó chết rục, đặc quánh màu đen nằm vắt mình bên khe suối.
Cả nhóm chạy lại mừng chết đứng một lúc sau mới tỉnh khi biết đã trúng kỳ nam nơi gốc dó rục nặng hơn 2 kg. Ngay trong đêm, nhóm ông Tuấn và ông Lộc chia nhau số kỳ nam tìm được tức tốc cắt rừng nhằm hướng Quảng Nam về làng.
Hơn 4 ngày sau, một thương lái người Nha Trang đánh cùng lúc 2 xe con cùng đám thuộc hạ tìm về làng Đại Nghĩa. Chỉ chưa đầy 30 phút sau, 2 kg kỳ nam được mua với giá hơn 30 tỷ đồng. Ông Liên cùng các thành viên được chia mỗi người 3,5 tỷ.
Bí thư xã Đại Nghĩa, ông Cao Văn Nhạc kể rằng xưa nay vụ trúng kỳ nam của nhóm ông Tuấn thôn Nghĩa Tân là lớn nhất, còn lại là tay trắng với bao số phận bi thảm.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chị Nguyễn Hân (35 tuổi), thôn Nghĩa Tây, Đại Nghĩa cạn khô nước mắt khóc chồng là phu trầm Nguyễn Kích bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc vào mùa hè 2009 vì bị lũ rừng cuốn mất tích. Chị bất lực nhìn thằng con đầu 15 tuổi bỏ học rời làng thay cha đi tìm trầm suốt mấy năm nay chưa về. Lòng chị rối bời bởi chốn rừng thẳm lành ít, dữ nhiều.
Lão phu trầm Nguyễn Văn Hường nhớ như in chuyến địu trầm đầu năm 1999, chính ông đã lập mộ chôn hai anh em ruột phu trầm Minh - Mẫn (người Khánh Hòa) vì bị trấn lột, đánh đập đến chết nơi rừng thẳm.
“Hồi đó cảnh đụng độ với bọn giang hồ nhiều như cơm bữa. Giới phu trầm chúng tôi tìm cách cắt rừng theo hướng mới nhưng vẫn bị giang hồ, người dân tộc thiểu số phục kích tại các bờ suối... Đến giờ nhắc lại giới phu trầm giải nghệ còn ám ảnh” - ông Hường nói.
Vũ Trung